CÂY NGŨ GIA BÌ – LÀM MẠNH GÂN XƯƠNG, BỒI BỔ CƠ THỂ

Cây Ngũ gia bì là vị thuốc quý được ứng dụng nhiều trong chữa bệnh, đặc biệt là bệnh xương khớp. Vậy nhưng các loài của cây thảo dược quý này có những đặc điểm rất dễ nhầm lẫn với nhau. Say đây, hãy cùng các chuyên gia tại Bách Thảo Dược cùng tìm hiểu chi tiết về loài cây này.

Tìm hiểu về cây Ngũ gia bì

Nhìn chung, nhắc đến cây Ngũ gia bì, người ta dễ lầm tưởng tất cả các cây có danh xưng này đều là một loài. Thế nhưng tên gọi Ngũ gia bì chỉ là loài Acanthopanax gracilistylus – thuộc họ Ngũ gia (Araliaceae), hay còn có tên gọi khác là Ngũ gia bì hương.  

Phân loại cây Ngũ gia bì

Nhìn chung, ở Việt Nam có 3 loài Ngũ gia bì (tạm gọi) được ứng dụng nhiều để chữa bệnh. Gồm có:

  • Ngũ gia bì hương (Tên gọi khác: Ngũ gia bì, Ngũ gia, Ngũ gia bì nhỏ): Tên khoa học: Acanthopanax gracilistylus – họ Ngũ gia (Araliaceae).
  • Ngũ gia bì gai (Tên gọi khác: Tam ngũ gia, Thích gia bì, Thích tam giáp): Tên khoa học: Acanthopanax aculeatus – họ Ngũ gia (Araliaceae).
  • Ngũ gia bì chân chim (Tên gọi khác: Cây lá lằng, cây chân chim): Tên khoa học: Schefflera heptaphylla – họ Ngũ gia (Araliaceae).

Đặc điểm nhận biết

Nhìn chung, các loài cây Ngũ gia bì có một số đặc điểm chung nhận biết: lá kép chân vịt (có 3-5 chét lá tùy loài), có tinh dầu vì thế cây thường có mùi thơm. Tuy nhiên, còn tùy theo loài mà tinh dầu sẽ tập trung nhiều nhất ở một – vài bộ phận khác nhau. Sau đây là các đặc điểm cụ thể giúp phân biệt các loài Ngũ gia bì.

  • Ngũ gia bì hương 

Cây gỗ nhỡ, chiều cao từ 2 – 3m. Thân cành có gai thưa. Lá kép chân vịt có 5 chét lá hình trái xoan ngược, mép lá có răng cưa, gân lá bên 4 – 5 đôi, cuống chung dài, cuống phụ ngắn. Tán ở nách lá, mang nhiều hoa, hoa có 5 lá đài, 5 cánh hoa, 5 nhị, bầu có hai vòi nhụy. Quả tròn tròn dẹt dẹt, khi chín có màu đen. 

  • Ngũ gia bì gai

Cây bụi, có gai. Lá kép chân vịt, 3-5 lá chét, mọc so le, mép lá khía răng, đôi khi có gai ở gân giữa. Hoa nhỏ, màu trắng lục, mọc thành tán phân nhánh ở hai đầu cành. Quả cầu hình dẹt, khi chín màu đen, có 2 hạt. Toàn cây có mùi thơm đặc biệt.

  • Ngũ gia bì chân chim

Cây gỗ, cao tới hơn 10m. Lá kép chân vịt, gồm 6-8 lá chét, mọc so le, cuống có bẹ. Vỏ thân và lá có mùi thơm. Cụm hoa chùm tụ tán, mọc ở kẽ lá hay đầu cành, hoa nhỏ, màu trắng. Quả mọng, hình cầu, khi chín màu tím đen.

Hình ảnh cây ngũ gia bì hương
Hình ảnh cây Ngũ gia bì hương
Hình ảnh cây ngũ gia bì gai
Hình ảnh cây Ngũ gia bì gai
Hình ảnh cây ngũ gia bì chân chim
Hình ảnh cây Ngũ gia bì chân chim

Phân bố

  • Bộ phận dùng: Các loài cây Ngũ gia bì đều có bộ phận dùng chung là vỏ thân, vỏ rễ. 
  • Phân bố: Ngũ gia bì mọc hoang nhiều ở các vùng núi cao phía Bắc nước ta và được trồng ở nhiều địa phương.

Thu hái và chế biến Ngũ gia bì dược liệu 

Tùy vào mỗi loài khác nhau mà có những cách thu hái khác nhau.

  • Ngũ gia bì hương: Thu hái mùa Xuân, Thu, Đông, ủ cho thơm, phơi trong bóng râm, nơi thoáng gió tới khô.
  • Ngũ gia bì gai:Thu hái vào mùa Hè, Thu, ủ cho thơm, phơi trong bóng râm, nơi thoáng gió tới khô.
  • Ngũ gia bì chân chim: Thu hái vào mùa Thu, ủ cho thơm, phơi trong bóng râm, nơi thoáng gió tới khô.
Ngũ gia bì gai dược liệu
Ngũ gia bì gai dược liệu 

Vị thuốc Ngũ gia bì có tác dụng gì?

Cây Ngũ gia bì vị đắng, tính mát (tất cả các loài), có tác dụng làm mạnh gân xương, chữa phong thấp đau nhức xương khớp. 

Một số tác dụng chữa bệnh khác ở các loài có đôi chút khác biệt: Ngũ gia bì hương chữa trẻ em cam tích, chậm biết đi, giúp tăng cường trí nhớ; Ngũ gia bì gai làm thuốc bổ khi suy nhược cơ thể, chữa rối loạn tiêu hóa; Ngũ gia bì chân chim có tác dụng giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, chữa rôm sảy. 

Cách dùng, liều lượng

  • Ngũ gia bì hương: Ngày dùng 6 -12g, dạng thuốc sắc, ngâm rượu, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
  • Ngũ gia bì gai: Mỗi ngày 10 – 20g dạng thuốc sắc.
  • Ngũ gia bì chân chim: Ngày dùng 8 -12g dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu. 

Các bài thuốc trị bệnh với vị thuốc Ngũ gia bì

Tùy theo mỗi loại cây Ngũ gia bì lại có những cách phối hợp và những bài thuốc khác nhau. 

Bài thuốc với Ngũ gia bì hương 

  • Thuốc bổ, chữa mệt mỏi, chân tay yếu: Ngũ gia bì hương 16g, Bạch truật 16g, Bạch biển đậu 16g, Trần bì 10g, Sinh khương 6g, Đại táo 5 quả, Đinh lăng 16g, Đương quy 16g, Cao lương khương 10g, Hoài sơn 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, uống trong 7 -10 ngày.
  • Chữa phong thấp, đau nhức, cơ thể mệt mỏi, liệt dương: Ngũ gia bì hương sao vàng 100g, rượu 30% 1 lít, ngâm trong 10 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 20 – 40ml trước bữa ăn tối.

Bài thuốc với Ngũ gia bì gai

  • Chữa đau nhức các khớp: Ngũ gia bì 8g, Dây đau xương 12g, Rễ nhàu 16g, Thiên niên kiện 12g, Thổ phục linh 10g, Huyết giác 10g, hà thủ ô đỏ 8g, Củ gió đất 8g, Rễ cỏ xước 16g – Các vị thuốc đều thái lát mỏng phơi khô, uống mỗi ngày 1 thang. 
  • Chữa suy nhược cơ thể, người mệt mỏi, lười vận động, ăn ngủ kém, sắc mặt xanh xao: Ngũ gia bì 12g, Bình vôi 20g, Nhàu rừng 20g, Củ gió đất 16g, Tắc kè nửa con, Bạch tật lê 20g, Câu kỷ tử 20g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Bài thuốc với Ngũ gia bì chân chim

  • Bài thuốc chữa thấp khớp, chân tay rung, khó cầm nắm: Ngũ gia bì chân chim 30g, Ngưu tất 24g, Thạch hộc 24g, Quế nhục 6g, Gừng khô 3g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Hy vọng bài viết về cây Ngũ gia bì sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích về loài dược liệu quý này cho bạn đọc. Hãy theo dõi các kênh tin tức của Bách Thảo Dược dưới đây để đón đọc bản tin sức khỏe mỗi ngày nhé!


CÔNG TY TNHH BÁCH THẢO DƯỢC

Địa chỉ nhà máy: Lô Q-6, Khu Công Nghiệp Tràng Duệ, Thuộc Khu Kinh Tế Đình Vũ – Cát Hải, Xã An Hoà, Huyện An Dương , TP.Hải Phòng, Việt Nam.

Văn phòng đại diện: LK16-12 Khu đô thị mới An Hưng, P.La Khê, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội.

Hotline: 0858 387 350 – 0977 998 733.

Kết nối với chúng tôi tại đây:

Fanpage, Website, Youtube.

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 094 179 2255