Cây Chó đẻ răng cưa hay là cây Chó đẻ, Diệp hạ châu là dược liệu quý trong Y học cổ truyền. Với các hoạt chất có tính kháng khuẩn chống viêm, chống oxy hóa, Chó đẻ răng cưa có tác dụng tốt trong điều trị bệnh lý về gan.
Tìm hiểu về vị thuốc Chó đẻ răng cưa
Hiện nay dựa vào đặc điểm hình thái, người ta chia ra 2 loại cây Chó đẻ răng cưa: Chó đẻ răng cưa thân xanh, thân xanh đậm thân đỏ.
Cây chó đẻ răng cưa hay còn gọi là Diệp hạ châu, có tên khoa học là Phyllanthus urinaria L., cây thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae)
Đặc điểm thực vật
Cây Chó đẻ cao khoảng 30cm, là cây thân cỏ có phần thân gần như nhẵn, mang nhiều cành nhỏ màu hơi tía. Lá mọc so le xếp thành hai dãy xít nhau trông như lá kép lông chim. Phiến lá thuôn bầu dục hoặc trái xoan ngược, dài 5 – 15mm, đầu nhọn hoặc tù, mặt dưới màu xanh lơ, không cuống hoặc có cuống rất ngắn.
Hoa cây Chó đẻ được mọc từ kẽ lá, màu đỏ nâu, là hoa đơn tính. Hoa đực và hoa cái cùng 1 gốc, trong đó hoa đực ở đầu cành, hoa cái ở dưới, Hoa không có cuống hoặc cuống rất ngắn. Quả nang hình cầu, đường kính khoảng 2mm, sần sùi, nằm sát dưới lá.

Bộ phận dùng
Phần nằm phía trên mặt đất của cây Chó đẻ (Herba Phyllanthi) được sử dụng làm dược liệu.
Thành phần hóa học
Theo Đông y, cây Chó đẻ là một thảo dược chứa nhiều hoạt chất tốt cho sức khỏe như: Flavonoid, Alkaloid phyllanthin và các hợp chất khác như: tamin, nirathin…
Phân bố
- Cây chó đẻ răng cưa là loại cây phổ biến ở vùng nhiệt đới, được mọc hoang và phát triển ven bờ ruộng hoặc nơi đất pha cát.
- Ở nước ta, cây mọc hoang ở nhiều nơi.
Thu hái và chế biến Dược liệu Chó đẻ răng cưa
Thu hái
- Thu hái vào mùa hè và thu
Chế biến
- Sau khi thu hái cây Chó đẻ răng cưa, đem phơi dược liệu tới khô giòn
- Lấy dược liệu đã phơi khô đi xao khô để sử dụng và bảo quản được lâu dài.
Tác dụng của Chó đẻ răng cưa
Tính – vị, quy kinh
Cây chó đẻ răng cưa có vị ngọt đắng, tính mát và chưa có nghiên cứu về việc quy kinh.
Tác dụng theo Y học cổ truyền
- Theo Đông y và kinh nghiệm dân gian từ những người ở khu vực cây Chó đẻ phát triển thì thảo dược này có tác dụng tiêu độc, sát trùng, tiêu viêm tán ứ, thông huyết.
- Chó đẻ răng cưa vừa có thể dùng ngoài vừa có thể uống, được sử dụng để chữa viêm họng, lợi tiểu, chữa phù thũng, mụn nhọt, viêm da thần kinh,….Ngoài ra Diệp hạ châu còn có tác dụng tốt trong điều trị bệnh gan, tiểu đường, viêm ruột…

Tác dụng theo Y học hiện đại
- Các nghiên cứu tại Nhật Bản và Ấn Độ sau khi thu được hoạt chất Phyllantin, Triacontanal và Hypophyllantin đã cho kết quả các hoạt chất này có tác dụng trong điều trị viêm gan, gan nhiễm mỡ.
- Những năm gần đây, đã có nhiều nghiên cứu tại Việt Nam và thế giới về tác dụng của cây Chó đẻ trong điều trị bệnh lý gan mật như: Hạ men gan, bảo vệ gan, ức chế hoạt động của virus viêm gan B. Trong cây Chó đẻ răng cưa có chứa hoạt chất chống oxy hóa cao, đồng thời có khả năng làm tăng hàm lượng Glutathione tại gan, từ đó giảm hoạt động của men gan trong các đợt viêm gan cấp.
- Nghiên cứu trong thế kỷ trước tại Đại học Y Paulists ở Sao Paulo, Brazil về tác dụng chữa sỏi thận của cây Chó đẻ răng cưa. Kết quả của các nghiên cứu trong giai đoạn này trên người tình nguyện cho thấy cây Chó đẻ có tác dụng tăng lượng nước tiểu, ngăn sự hình thành của các tinh thể Calcium oxalate, giảm kích thích viên sỏi và giảm đau.
Cách dùng, liều lượng
Liều dùng được khuyến cáo khi sử dụng Diệp hạ châu là 20 – 40g nước sắc/ 1 ngày. Có thể sử dụng ở dạng cây tươi hoặc sao khô sắc nước.
Các bài thuốc trị bệnh thường dùng từ cây Chó đẻ răng cưa
Bài thuốc 1: Trị nhọt độc sưng đau
Chuẩn bị:1 nắm cây Chó đẻ
Cách làm:
- Dược liệu trộn với muối, giã nhỏ rồi chế thêm nước đã đun sôi
- Vắt lấy nước cốt uống, bã đắp chỗ sưng đau

Bài thuốc 2: Trị mụn thâm
Chuẩn bị:Cây Chó đẻ răng cưa đã sơ chế sạch
Cách làm:
- Cắt khúc dược liệu khoảng 2 đốt ngón tay rồi phơi khô
- Nấu nước cây chó đẻ, để nguội và dùng nước này để rửa mặt.
- Tốt nhất là rửa với nước cây chó đẻ vào mỗi tối trước khi đi ngủ để mang lại hiệu quả trị mụn cao nhất.
Bài thuốc 3: Bài thuốc điều trị viêm gan do virus
Chuẩn bị:
- Cây Chó đẻ răng cưa đã xao khô 20g
- Đường 50g
Cách làm:
- Đem sắc 3 lần nước, chia thành 4 lần uống mỗi ngày.
Lưu ý khi sử dụng cây Chó đẻ
Dù là một thảo dược, tuy nhiên khi sử dụng cây Chó đẻ răng cưa không đúng cách có thể gây ra một số độc tố cho cơ thể. Người bệnh cần có một số lưu ý khi sử dụng dược liệu này như:
- Người bị huyết áp thấp không nên sử dụng Diệp hạ châu vì dễ gây nôn mửa, chóng mặt, ngất,…
- Cẩn trọng khi dùng cho trẻ nhỏ bởi độc tố của dược liệu.
- Không sử dụng với Phụ nữ có thai.
Cây chó đẻ răng cưa có những công dụng rất tốt đã được chứng minh. Tuy nhiên tác dụng điều trị bệnh còn phụ thuộc vào tình trạng và cơ địa của từng người, do đó người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
—————–
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY TNHH BÁCH THẢO DƯỢC
Địa chỉ nhà máy: Lô Q-6, Khu Công Nghiệp Tràng Duệ, Thuộc Khu Kinh Tế Đình Vũ – Cát Hải, Xã An Hoà, Huyện An Dương , TP.Hải Phòng, Việt Nam.
Văn phòng đại diện: LK16-12 Khu đô thị mới An Hưng, P.La Khê, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội.
Hotline: 0858 387 350 – 0977 998 733.
Kết nối với chúng tôi tại đây:
Fanpage: Nhà máy GMP Bách Thảo Dược
Website: Bachthaoduocgmp.vn
Youtube: Nhà máy sản xuất Bách Thảo Dược GMP