Cốt toái bổ hay còn có tên gọi khác là Tắc kè đá, tên khoa học là Drynaria fortunei J.Sm, thuộc họ Dương xỉ (Polypodiaceae). Đây là một dược liệu quý được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh xương khớp trong dân gian.
Tìm hiểu về vị thuốc Cốt toái bổ
Đặc điểm nhận biết
Cốt toái bổ là một loài Dương xỉ sống phụ sinh trên các cây gỗ hay trên đá. Thân rễ nom tựa củ gừng, mọc bò dài, mọng nước, có lông màu vàng nâu. Lá có 2 loại: Lá hứng mùn hình trái xoan, rộng 10 cm, khô gần như ôm lấy phần thân, có màu nâu và Lá thường có phiến màu xanh, dài 25 – 45 cm xẻ thùy sâu thành 3 – 7 cặp thùy lông chim, trục lá có cánh, cuống lá dài 10 – 20 cm. Các ổ túi bào tử nhỏ, rải rác không đều khắp mặt dưới lá.

Phân bố, thu hái
Là một thực vật sống phụ sinh trên các cây gỗ (cây si, cây đa) và đá, có ở nhiều vùng rừng núi nước ta: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Trị, Đồng Nai, Lâm Đồng, An Giang…
Cốt toái bổ được thu lấy rễ quanh năm, sau đó sơ chế bằng cách cạo bỏ sạch lông, thái nhỏ, phơi khô, đốt nhẹ cho cháy hết lông nhỏ phủ trên thân rễ, khi dùng ủ thân rễ cho mềm, tẩm thêm mật hoặc rượu sao vàng.
Thành phần hóa học
Thành phần hóa học chính trong Cốt toái bổ là Flavonoid và tinh bột
Vị thuốc Cốt toái bổ có tác dụng gì?
Tính – vị, quy kinh
Dược liệu có vị đắng, tính ấm và quy vào kinh Can, Thận
Công dụng
Công dụng của cốt toái bổ theo Y học cổ truyền
- Công dụng: Hoạt huyết, hóa ứ, làm mạnh gân xương, bổ thận, giảm đau, cầm máu
- Chủ trị: Chấn thương do té ngã, ù tai, đau nhức lưng, thận hư yếu, đau răng, đau lưng mỏi gối, chảy máu chân răng, tiêu chảy kéo dài.

Công dụng của cốt toái bổ theo nghiên cứu Y học hiện đại
- Dược liệu có tác dụng giảm độc tính của Kanamycin đối với tai trong. Tuy nhiên khi ngưng dùng tai điếc vẫn tiếp tục tiến triển. (Thực nghiệm được thực hiện trên chuột lang).
- Làm giảm lipid máu và phòng ngừa chứng xơ vữa động mạch.
- Dược liệu có tác dụng giảm đau và an thần
- Cốt toái bổ làm tăng nồng độ canxi trong xương và máu, đồng thời nâng cao lượng phosphate trong cơ thể.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 6 – 12g, dạng thuốc sắc uống, ngâm rượu hoặc đắp ngoài
Các bài thuốc trị bệnh với vị thuốc Cốt toái bổ
Bài thuốc 1: Chữa chấn thương phần mềm, gãy xương kín
- Chuẩn bị: Cốt toái bổ, Lá sen tươi, Lá trắc bách diệp tươi, Quả bồ kết tươi mỗi thứ 12g
- Cách làm: Tán nhỏ các loại dược liệu trên, hãm với nước sôi uống mỗi ngày 2 lần hoặc giã lấy bã đắp ngoài vị trí bị thương
Bài thuốc 2: Bài thuốc trị phong tê thấp
- Chuẩn bị: Cốt toái bổ 12g, Cam thảo nam 8g, Thổ phục linh 12g, Giàng xay 12g, Huyết rồng 12g
- Cách làm: Các vị thuốc thái nhỏ, phơi khô sau đó sao vàng hạ thổ. Sắc lấy nước uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang
Bài thuốc 3: Thuốc bổ gân xương
- Chuẩn bị: Bột Cốt toái bổ, bột Mẫu lệ, bột sừng Hươu nai mỗi vị 2g
- Cách làm: Sắc nước bột các dược liệu uống hàng ngày trong 3 – 4 tuần

Bài thuốc 4: Chữa đòn ngã, chấn thương
- Chuẩn bị: Tắc kè đá tươi (Cốt toái bổ)
- Cách làm: Rửa sạch dược liệu sau đó giã nhỏ, dấp nước, gói vào lá chuối nướng tới mềm rồi đắp lên chỗ đau, bó lại. Thay thuốc 2 lần/1 ngày
Lưu ý khi sử dụng vị thuốc Cốt toái bổ
- Không dùng Cốt toái bổ cho người có âm hư, huyết hư, không có thực nhiệt
- Thận trọng trong các trường hợp thiếu máu, ứ máu
- Thân rễ một số loài thuộc chi Drynaria như Ráng bay, Tắc kè đá cũng được thu hái và bào chế thành dược liệu Cốt toái bổ
Cốt toái bổ là vị thuốc bồi bổ sức khỏe và làm mạnh gân xương. Tuy nhiên bạn cần tránh tình trạng lạm dụng bài thuốc từ dược liệu này. Nhằm hạn chế rủi ro và tác dụng phụ khi sử dụng, nên chủ động trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể.
—————–
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY TNHH BÁCH THẢO DƯỢC
Địa chỉ nhà máy: Lô Q-6, Khu Công Nghiệp Tràng Duệ, Thuộc Khu Kinh Tế Đình Vũ – Cát Hải, Xã An Hoà, Huyện An Dương , TP.Hải Phòng, Việt Nam.
Văn phòng đại diện: LK16-12 Khu đô thị mới An Hưng, P.La Khê, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội.
Hotline: 0858 387 350 – 0977 998 733.
Kết nối với chúng tôi tại đây:
Fanpage: Nhà máy GMP Bách Thảo Dược
Website: Bachthaoduocgmp.vnYoutube: Nhà máy sản xuất Bách Thảo Dược GMP