TÁC DỤNG CỦA BẠCH TRUẬT – TỐT CHO TIÊU HÓA

Bạch truật từ xa xưa vốn được coi là một “thần dược của sức khỏe”. Là một dược liệu có vị đắng, ngọt, tính ấm, không độc, các tác dụng của Bạch truật đã được đánh giá nhiều trong YHHĐ ngày nay, đặc biệt trong việc điều trị bệnh lý tiêu hóa.

Tìm hiểu về vị thuốc Bạch truật

Bạch truật hay còn gọi là Truật, cây có tên khoa học là Atractylodes macrocephala Koidz, thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Bạch truật là gì, đặc điểm nhận biết  

Là cây thảo cao từ 40 – 60cm, sống lâu năm. Thân thẳng đơn độc hoặc phân nhánh ở bộ phận trên, phần dưới thân hóa gỗ, rễ phình thành củ dưới mặt đất. 

Lá Bạch truật mọc cách và so le. Lá ở gốc có cuống dài, phần trên có cuống ngắn. Phiến lá khía răng, xẻ thành 3 thùy: Thùy giữa lớn hình trứng, hai thùy bên nhỏ hơn hình mũi mác.

Cây có cụm hoa hình đầu mọc ở ngọn, hoa nhỏ có màu tím. Quả bế có túm lông, thuôn dẹp và có màu xám.

bach-truat-Atractylodes-macrocephala-Koidz
Bạch truật – Atractylodes macrocephala Koidz

Bộ phận dùng

Bạch truật dược liệu dùng phần thân rễ cứng chắc, có dầu thơm nhẹ, ruột màu trắng ngà.

Phần thân rễ Bạch truật phơi khô có dạng khối lồi chồng chất hoặc rễ con dạng chuỗi liền cong queo không đều, dài khoảng 3 – 9cm, thô khoảng 1,5 – 7cm.

Thành phần hóa học

Thành phần chính tạo nên tác dụng của Bạch truật là tinh dầu. Một số thí nghiệm phân tích đã cho thấy có khoảng 1,4% tinh dầu trong dược liệu này gồm: Atractylol, atractylon, Atractylenoid I, II, III và vitamin A.

Ngoài ra còn có hơn 79 hợp chất đã được tìm ra và phân lập từ Bạch truật.

Phân bố

Vị thuốc Bạch truật có nguồn gốc từ Trung Quốc và hiện đã di thực vào Việt Nam. Cây được trồng rộng rãi ở vùng cao, lạnh để giữ giống.

Thu hái và chế biến vị thuốc Bạch truật

Thu hái

  • Thời điểm thu hoạch để đảm bảo được tính chất và tác dụng của Bạch truật là từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11. Lúc này thân cây màu xanh chuyển thành màu vàng, phần lá ở ngọn cây cứng lại, dễ bẻ gãy.
  • Không thu hoạch quá sớm khi củ còn non hoặc khi quả quá nhiều chồi sẽ không đảm bảo dinh dưỡng của vị thuốc.

Chế biến

Theo tài liệu Trung Dược Đại Từ Điển, có 2 cách chính để chế biến Bạch truật

Cách 1: Chế biến thông thường

  • Sau khi thu hoạch, rửa sạch đất cát, bỏ rễ con giữ lại củ.
  • Ngâm nước khoảng 4 tiếng rồi ủ kín trong 12 tiếng cho tới mềm.
  • Thái mỏng, phơi khô hoặc sao cháy dược liệu.

Cách 2: Theo kỹ thuật Trung Quốc

  • Sấy khô: Củ sau khi thu hoạch sơ chế sạch rồi đưa lên giàn sấy. Trung bình 3-5kg củ tươi sấy còn lại 1kg củ khô.
  • Phơi khô: Sau khi sơ chế sạch, phơi dược liệu 15-20 ngày tới củ khô kiệt nước.

Tác dụng của Bạch truật

Tính – vị, quy kinh

Bạch truật dược liệu có vị đắng, ngọt, tính ấm và quy vào kinh Tỳ, Vị (Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)

tac-dung-cua-bach-truat
Tác dụng của Bạch truật

Tác dụng theo Y học cổ truyền

Y học cổ truyền đã công nhận một số tác dụng của Bạch truật như:

  • Kiện tỳ, ích khí, táo thấp
  • Lợi thủy, cố biểu, liễu hãn, an thai

Từ những công dụng trên, Bạch truật được ứng dụng chủ trị các trường hợp:

  • Chữa viêm gan nhiễm trùng, chữa đái tháo đường
  • Giúp tiêu hóa, chữa bụng đầy hơi, nôn mửa, ỉa chảy, phân sống…
  • Chữa viêm ruột mạn tính, viêm dạ dày cấp và mạn
  • Chữa viêm dây thần kinh vùng thắt lưng
  • Dùng làm thuốc bổ.

Tác dụng theo Y học hiện đại

Khả năng trong việc điều trị bệnh lý từ dược liệu Bạch truật đã được đánh giá trên nhiều nghiên cứu và cho thấy:

Tác dụng của Bạch truật lên hệ tiêu hóa:

  • Nước sắc Bạch truật được chứng minh có khả năng bảo vệ gan theo cơ chế ngăn ngừa sự giảm sút Glycogen ở gan.
  • Thí nghiệm trên thỏ: Sử dụng Bạch truật lúc ruột ở trạng thái hưng phấn gây tác dụng ức chế; còn lúc ruột ở trạng thái ức chế thì gây hưng phấn
  • Chống Loét Bao Tử: Gây loét bao tử thực nghiệm, tạo nên những tổn thương có bệnh sinh khác nhau.

Tác dụng bồi bổ cơ thể:

  • Một số nghiên cứu trên chuột cho thấy nước sắc Bạch truật giúp tăng khả năng bơi lội, tăng cường chức năng miễn dịch của tế bào…

Tác dụng của Bạch truật trong việc kháng viêm:

  • Các hoạt chất có trong rễ Bạch truật có khả năng chống siêu vi khuẩn và chống ung thư trong thí nghiệm invitro

Ngoài ra còn rất nhiều những tác dụng khác của Bạch truật đã được đưa vào các nghiên cứu lâm sàng và cho kết quả như: Lợi tiểu, hạ đường huyết, ức chế sự đông máu…

Cách dùng, liều lượng

Theo khuyến cáo, người bệnh có thể sử dụng từ 10 – 20g Bạch truật mỗi ngày, có thể dùng dạng thuốc sắc và kết hợp cùng các vị thuốc khác

Các bài thuốc trị bệnh với Bạch truật

Bài thuốc 1: Bạch truật cao

Chuẩn bị

  • Bạch truật 6,4kg

Cách làm

  • Xắt lát, bổ vào nồi sành ngập nước 2-3 tấc, sắc đến khi còn nửa chén
  • Bã sắc lại làm 3 lần, lấy nước sắc trộn rồi cô lại thành cao trong 1 đêm, khử nước trong ở trên, lấy phần cao đọng dưới cất dùng.
  • Khi dùng uống mỗi lần 1-2 thìa cùng mật ong

Công dụng

  • Trị tiêu chảy, lỵ lâu ngày

Bài thuốc 2: Sâm truật cao – Tập giản phương

Chuẩn bị

  • Bạch truật 640g
  • Nhân sâm 160g

Cách làm

  • Ngâm dược liệu với nước trường lưu thủy trong 1 đêm
  • Nấu cùng củi dâu trong lửa nhỏ thành cao
  • Trộn cùng mật ong khi sử dụng

Công dụng

  • Trị các loại Tỳ, Vị bị tổn thương.
Bai-thuoc-su-dung-bach-truat-chu-tri-cac-benh-ly-tieu-hoa
Bài thuốc sử dụng Bạch truật chủ trị các bệnh về tiêu hóa

Bài thuốc 3: Chữa ỉa chảy, suy dinh dưỡng ở trẻ em

Chuẩn bị

  • Bạch truật 6g
  • Ý dĩ 6g
  • Hoài sơn 12g
  • Sa nhân 2g
  • Cam thảo nam 4g
  • mạch môn 4g

Cách làm

  • Sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc 4: Khoan trung hoàn

Chuẩn bị

  • Bạch truật 80g
  • Quất bì 160g

Cách làm

  • Tán bột các dược liệu, sau đó trộn cùng rượu tạo thành viên cỡ hạt ngô.
  • Uống 30 viên với nước sắc Mộc hương trước bữa ăn

Công dụng

  • Trị chứng Tỳ hư, đầy chướng, hàn khí ngưng trệ bên trong gây khó lưu thông

Bài thuốc 5: Lý trung thang

Chuẩn bị

  • Bạch truật 12g
  • Cam thảo 4g
  • Can khương 8g
  • Đan sâm 12g

Cách làm

  • Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Công dụng

  • Trị tỳ hư, tiêu chảy.

Lưu ý khi sử dụng Bạch truật

Một số khuyến cáo được đưa ra với Bạch truật vì dược liệu này có tính táo, thận kinh lại hay bế khí nên không dùng với người can thận có động khí. Ngoài ra cần thận trọng kho dùng với người âm hư hỏa thịnh, thận hư, suyễn khó thở, mụn nhọt nhiều mủ…

Để đảm bảo được tác dụng của Bạch truật trong điều trị bệnh, người dùng nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.  

—————–

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH BÁCH THẢO DƯỢC

Địa chỉ nhà máy: Lô Q-6, Khu Công Nghiệp Tràng Duệ, Thuộc Khu Kinh Tế Đình Vũ – Cát Hải, Xã An Hoà, Huyện An Dương , TP.Hải Phòng, Việt Nam.

Văn phòng đại diện: LK16-12 Khu đô thị mới An Hưng, P.La Khê, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội.

Hotline: 0858 387 350 – 0977 998 733.

Kết nối với chúng tôi tại đây:

Fanpage: Nhà máy GMP Bách Thảo Dược

Website: Bachthaoduocgmp.vn

Youtube: Nhà máy sản xuất Bách Thảo Dược GMP

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 094 179 2255