Tác dụng của Cát cánh trong việc điều trị các bệnh như viêm họng, viêm amidan đã được chứng minh cả trong Đông và Tây y. Vậy hiệu quả điều trị của Cát cánh đến đâu và khi nào nên sử dụng Cát cánh? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Tìm hiểu về vị thuốc Cát cánh
Đặc điểm dược liệu Cát cánh
Cát cánh (Platycodon grandiflorum (Jacq) A. DC), thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae), trong dân gian còn có tên gọi khác là Kết ngạnh
Đây là một loài thực vật thân thảo sống lâu năm, thân cao khoảng 60 – 90cm. Rễ phình to thành củ nạc, màu vàng nhạt. Lá Cát cánh mọc đối hoặc mọc vòng 3 – 4 lá, gần như không có cuống. Phiến lá hình trứng, tại mép có răng cưa to. Hoa mọc đơn độc hoặc thành bông thừa, có dải màu lục, hình chuông rộng, mép có 5 thùy. Tràng hình chuông màu xanh tím hoặc trắng.

Thành phần hóa học
Rễ chứa saponin triterpenoid nhóm olean và tanin
Phân bố
Cây Cát cánh là loài thực vật duy nhất trong chi Platycodon và phát triển ở vùng khí hậu ôn đới như: Nhật Bản, Trung Quốc (An Huy, Sơn Đông, Giang Tô). Ở nước ta cây Cát cánh được trồng bằng hạt ở một số vùng cao
Bộ phận dùng, thu hái – chế biến
Bộ phận dùng:
- Rễ đã cạo vỏ ngoài, được phơi hoặc sấy khô
Thu hái:
- Tác dụng của Cát cánh là tốt nhất khi dược liệu được thu hoạch rễ vào mùa Thu đông hoặc mùa Xuân
Chế biến:
- Theo Lôi Công Bảo Chích Luận, nên bỏ đầu cuống Cát cánh khi dùng, sau đó giã nát chung với Bách hợp sống và ngâm nước 1 đêm rồi sao khô
- Theo Bản Thảo Cương Mục, sử dụng rễ Cát cánh đã cạo vỏ người, ngâm trong nước gạo 1 đêm rồi xắt lát, sao qua
- Theo (Trung Dược Đại Từ Điển), hiện nay có thể dùng rễ củ Cát cánh đã loại bỏ phần thân mềm, rửa sạch và ủ trong 1 đêm, sau đó xắt thành lát mỏng phơi khô, dùng sống hoặc tẩm mật sao qua.
Vị thuốc và Tác dụng của Cát cánh
Tính – vị, quy kinh
Dược liệu Cát cánh có vị đắng, cay, tính hơi ôn và quy vào kinh Phế (Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng T598/ Tập III)
Ngoài ra theo 1 số tài liệu Y học cổ truyền để lại:
- Cát cánh có vị cay, tính hơi ôn (Sách Bản Kinh)
- Dược liệu vị đắng, tính bình và không có độc (Sách Dược Tính Bản Thảo)
- Dược liệu có vị đắng, có ít độc (Sách Danh Y Biệt Lục)
Tác dụng của Cát cánh theo Y học cổ truyền
Đông y đã ghi nhận tác dụng của Cát cánh trong việc ôn hóa hàn đàm, lợi yết và khai thông phế khí, do đó dược liệu này được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa sưng đau họng, viêm amidan, khàn tiếng, ho nhiều có đờm…

Một số trích dẫn từ các sách cổ về tác dụng của Cát cánh như:
- Sách Dược Tính Bản Thảo: Sử dụng Cát cánh điều trị các bệnh như: Đàm diên, phá huyết, chủ phế khí, tiêu tích tụ…
- Sách Bản Thảo Thông Huyền: Cát cánh có tác dụng duy kỳ thương nhập phế kinh, cổ năng sử chư khí hạ giáng, phế vị chủ khí chi tạng.
- Sách Danh Y Biệt Lục: Dược liệu Cát cánh có công dụng phong tý, liệu hầu yết thống, lợi ngũ tạng trường vị, trừ hàn nhiệt, bổ khí huyết.
- Trung Dược học: Giảm đau, giải nhiệt, ức chế hệ miễn dịch, chống viêm loét dạ dày, an thần.
Tác dụng của Cát cánh theo Y học hiện đại
Một số nghiên cứu lâm sàng trong Y học hiện đại đã chỉ ra tác dụng của Cát cánh như:
- Với hệ hô hấp: Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên chó và mèo, sau khi sử dụng nước sắc Cát cánh, niệm mạc phế quản ở động vật thí nghiệm có sự tăng tiết dịch. Do đó đánh giá Cát cánh có tác dụng làm long đờm mạnh
- Ảnh hưởng tới nội tiết: Chinese Hebra đã có nghiên cứu trên thỏ khi uống nước sắc Cát cánh làm giảm lượng đường huyết ở thỏ. Một vài thí nghiệm trên chuột cũng cho thấy uống nước sắc của dược liệu Cát cánh làm giảm cholesterol ở gan
- Saponin và Tanin trong Cát cánh là những hoạt chất có khả năng chống viêm, do đó nước thuốc Cát cánh được đánh giá có công dụng ức chế những loại nấm thông thường trên da. Ngoài ra tác dụng của Cát cánh là tốt trong việc giảm đau giải nhiệt, chống các vết loét bao tử.
- Thành phần Saponin trong Cát cánh được đánh giá có tác dụng tán huyết mạnh gấp khoảng 2 lần so với Saponin trong Viễn chí. Tuy nhiên do chúng ta thường dùng dược liệu này dưới dạng uống nên dịch chiết dễ bị thủy phân bởi dịch vị và mất khả năng tán huyết.
Cách dùng, liều lượng
Theo tài liệu Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng của PGS – TS Nguyễn Viết Thân có hướng dẫn về liều lượng sử dụng dược liệu Cát cánh: Ngày dùng 4 – 16g, dạng thuốc sắc, hoàn tán hoặc siro và có thể phối hợp cùng các vị thuốc khác.
Các bài thuốc trị bệnh với Cát cánh
Bài thuốc 1: Chữa họng sưng đau
Chuẩn bị: Cát cánh 8g, Cam thảo 4g
Cách làm: Sắc hoặc tán bột lấy nước uống mỗi ngày
Bài thuốc 2: Chữa chân răng sưng đau, lợi răng loét
Chuẩn bị: Cát cánh tán bột, Nhục táo
Cách làm: Trộn Cát cánh tán bột với Nhục táo tạo thành viên, to khoảng bằng hạt Bồ kết, sau đó lấy bông bọc lại, ngậm thêm cùng nước sắc kinh giới

Bài thuốc 3: Chữa viêm amidan
Chuẩn bị: Cát cánh 8g, Kim ngân hoa, Liên kiều mỗi thứ 12g, Cam thảo 4g
Cách làm: Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang
Bài thuốc 4: Chữa viêm phổi, ngực đầy tức, ho nhiều đờm
Chuẩn bị: Cát cánh 4g, Bạch mao căn 40g, Ngư tinh thảo 8g, Cam thảo (sống) 4g, Ý dĩ nhân 20g, Đông qua nhân 24g, bối mẫu 8g, Ngân hoa đằng 12g.
Cách làm: Sắc bài thuốc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang và sử dụng trong 5 – 7 ngày
Trên đây là một số thông tin về Cát cánh cùng công dụng của dược liệu này trong điều trị bệnh lý viêm họng, viêm amidan…Bài viết có tính chất tham khảo, người bệnh nên tham khảo sự tư vấn của các bác sĩ trong việc tự sử dụng Cát cánh.
—————–
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY TNHH BÁCH THẢO DƯỢC
Địa chỉ nhà máy: Lô Q-6, Khu Công Nghiệp Tràng Duệ, Thuộc Khu Kinh Tế Đình Vũ – Cát Hải, Xã An Hoà, Huyện An Dương , TP.Hải Phòng, Việt Nam.
Văn phòng đại diện: LK16-12 Khu đô thị mới An Hưng, P.La Khê, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội.
Hotline: 0858 387 350 – 0977 998 733.
Kết nối với chúng tôi tại đây:
Fanpage: Nhà máy GMP Bách Thảo Dược
Website: Bachthaoduocgmp.vnYoutube: Nhà máy sản xuất Bách Thảo Dược GMP