TÁC DỤNG CỦA TRẦN BÌ TRONG ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH ĐƯỜNG HÔ HẤP

Trần bì (Pericarpium Citri Reticulatae) là một vị thuốc phổ biến trong Đông y, được làm từ vỏ quả cam/ quýt chín. Tác dụng của Trần bì đã được chứng minh nhiều trong việc chủ trị các bệnh đường hô hấp như: ho, viêm hầu họng…

Tìm hiểu về vị thuốc Trần bì  

Trần bì là gì, đặc điểm nhận biết 

Đặc điểm thực vật

Cây quýt nhỏ, thân cành có gai, phân nhánh. Lá đơn mọc so le, nguyên, rất dai, thường tròn hoặc lõm ở đầu, có mùi thơm đặc trưng của tinh dầu. Hoa nhỏ màu trắng, gần như không có cuống, mọc đơn độc ở kẽ lá. Quả có hình cầu, hơi dẹt, thường màu vàng cam hoặc vàng đỏ. Vỏ quýt mỏng, nhẵn hay hơi sần sùi, dễ bóc.

hinh-anh-cay-quyt-tran-bi
Hình ảnh Cây quýt (Trần bì)

Đặc điểm dược liệu

Vỏ cam/ quýt chín thường cuốn lại hoặc quăn, có bề dày khoảng 0,1 – 0,15 cm. Mặt ngoài vỏ có màu vàng cam hoặc vàng nâu, có nhiều chấm sẫm. Mặt trong xốp có nhiều xơ màu hồng nhạt hoặc trắng ngà. Vỏ giòn, khi bẻ gãy có mùi thơm, vị cay.

Thành phần hóa học

Thành phần hóa học quyết định tác dụng của Trần bì chính là tinh dầu. Trong vỏ quýt thường chứa từ 1,5 – 2% tinh dầu, trong đó có các thành phần chính như: 

  • Cryptoxanthin, 
  • Limolene, 
  • Vitamin B1 và C, 
  • Elemene, 
  • Hesperidin, 
  • Iopropenyl – toluene, 
  • Beta – sesqui – phellandrene, 
  • Caroten, 
  • Copaneme, 
  • A – Humulenol acetate.

Phân bố

Cây quýt lấy làm dược liệu Trần bì được phân bố nhiều ở các tỉnh Trung Quốc. Ở Việt Nam, một số địa phương cho dược liệu Trần bì tốt như: Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị.

Thu hái và chế biến Dược liệu Trần bì 

Bộ phận dùng làm thuốc: Vỏ quả chín

Thu hoạch: Thời điểm tốt nhất để thu hoạch lấy dược liệu là mùa Xuân và mùa Đông 

Chế biến: 

  • Theo tài liệu Đông Dược Học Thiết Yếu: Chế biến Trần bì đơn giản bằng cách rửa sạch và phơi khô.
  • Theo tài liệu Phương pháp bào chế Đông Dược: Rửa Trần bì (lưu ý không rửa lâu), sau đó lau và cạo sạch xơ bên trong rồi thái nhỏ, phơi nắng đến khô. Có thể sử dụng trực tiếp, tẩm mật ong hoặc muối rồi sao qua.

Bảo quản: Nhiệt độ phòng, nơi khô ráo và tránh ánh sáng trực tiếp.

Tác dụng của Trần bì 

Vị thuốc Trần bì

  • Tính vị: Dược liệu Trần bì có vị cay đắng, tính ôn.
  • Quy kinh: Quy kinh Phế, Tỳ.
Tac-dung-cua-tran-bi-trong-yhct-va-yhhd
Tác dụng của Trần bì trong YHCT và YHHĐ

Tác dụng của Trần bì theo Y học cổ truyền

  • Đông y có câu “Nam bất thiểu Trần bì”. Lý giải câu nói này rằng, phái nam thích uống rượu và sử dụng nhiều chất béo gây tổn thương tỳ vị, dẫn đến khó tiêu hóa, từ không hóa được thấp dẫn đến sinh đờm. Do đó, với tác dụng của Trần bì giúp kích thích tiêu hóa, tiêu đờm thì phù hợp với nam giới.
  • Tuy nhiên nữ giới cũng hoàn toàn sử dụng được Trần bì. Theo sách Trung Dược Học, Trần bì có tác dụng kích thích tiêu hóa, tiêu đờm, ức chế một số vi khuẩn, chủ trị chứng đầy bụng, khó tiêu, ho có đờm…và có thể dùng cho mọi người.

Tác dụng của Trần bì theo Y học hiện đại

  • Một số thí nghiệm sử dụng Trần bì trên mô hình thực nghiệm với chuột và mèo cho thấy tác dụng của trần bì trong việc trị ho có đờm và hen suyễn khi phối hợp cùng một số vị thuốc khác.
  • Tác dụng chống loét và kháng viêm: Thành phần A – Humulenol và Humulene trong Trần bì đem tiêm ổ bụng của chuột nhắt với liều 170 – 250 mg/kg cho thấy tính thẩm thấu ở mạch máu của chuột giảm. Liều 10mg Humulene cho thấy công dụng kháng Histamin, chống viêm; còn A – Humulenol cho thấy tác dụng giảm sự tiết dịch vị dạ dày.
  • Tác dụng bình suyễn, khu đàm: Một số thí nghiệm sử dụng dịch chiết từ Trần bì trên chuột lang cho thấy ngăn chặn được cơn co thắt phế quản do Histamin gây ra. Bên cạnh đó Trần bì được chứng minh có khả năng kích thích niêm mạc đường hô hấp, giúp tăng tiết dịch và loãng đờm, được sử dụng làm giãn phế quản và giảm cơn hen.
  • Tác dụng kháng khuẩn: Tinh dầu trong Trần bì có tác dụng kháng khuẩn, ức chế một số trực khuẩn, tự cầu khuẩn
  • Công dụng với hệ tim mạch: Tiêm dịch chiết Trần bì vào tĩnh mạch chó và thỏ cho thấy tác dụng của trần bì trong làm tăng huyết áp.

Cách dùng, liều lượng

Tùy vào loại bệnh và tình trạng bệnh để thầy thuốc định lượng chính xác nhất liều lượng sử dụng cho từng bệnh nhân. Trần bì thường được dùng dưới dạng sắc nước hoặc hãm trà cùng một số dược liệu khác, trong đó tối đa sử dụng mỗi ngày 4 – 12g Trần bì.

Lưu ý khi sử dụng vị thuốc Trần bì 

  • Không thường xuyên sử dụng với người không thấp, không trệ, không đàm. Người âm hư, ho khan, không có đờm thì không dùng Trần bì.
  • Tránh nhầm lẫn dược liệu Trần bì với Tần bì, dù tên gọi na ná nhau cùng có thể cùng chủ trị viêm phế quản, tuy nhiên công dụng cơ bản của 2 vị thuốc này là hoàn toàn khác nhau. 

Các bài thuốc trị bệnh với Trần bì  

Bài thuốc 1: Trị viêm phế quản nhẹ, bệnh ho viêm họng

  • Chuẩn bị: Trần bì 6g; Cam thảo 4g; Tô diệp 6g
  • Cách làm: Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.
bai-thuoc-su-dung-tran-bi-chu-tri-benh-ho-hap
Một số bài thuốc sử dụng Trần bì chủ trị bệnh hô hấp

Bài thuốc 2: Điều trị ho có đờm do cảm hàn

  • Chuẩn bị: Trần bì 6g; Bạch linh 12g; Cam thảo 4g; Bán hạ 6g; 2 lát gừng tươi.
  • Cách làm: Sắc lấy nước mỗi ngày uống 1 thang cho đến khi triệu chứng thuyên giảm thì dừng.

Bài thuốc 3: Tác dụng của Trần bì trong chữa ho mất tiếng

  • Chuẩn bị: Trần bì 12g 
  • Cách làm: Sắc dược liệu Trần bì cùng 200ml nước đến khi cạn còn khoảng 100ml thì dừng, lọc lấy nước thuốc và chia ra uống nhiều lần trong ngày.

Trần bì là một dược liệu phổ biến, dễ kiếm và dễ sử dụng, do đó người dùng có thể bảo quản và chế biến dược liệu sẵn tại nhà. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả, người bệnh cần tham khảo thêm ý kiến thầy thuốc chuyên môn nếu cần.

 —————–

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH BÁCH THẢO DƯỢC

Địa chỉ nhà máy: Lô Q-6, Khu Công Nghiệp Tràng Duệ, Thuộc Khu Kinh Tế Đình Vũ – Cát Hải, Xã An Hoà, Huyện An Dương , TP.Hải Phòng, Việt Nam.

Văn phòng đại diện: LK16-12 Khu đô thị mới An Hưng, P.La Khê, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội.

Hotline: 0858 387 350 – 0977 998 733.

Kết nối với chúng tôi tại đây:

Fanpage: Nhà máy GMP Bách Thảo Dược

Website: Bachthaoduocgmp.vn

Youtube: Nhà máy sản xuất Bách Thảo Dược GMP

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 094 179 2255