Thảo đậu khấu dược liệu có vị cay, tính ấm, quy vào kinh Tỳ, Vị. Vị thuốc này hiện mới chỉ được dùng trong Đông Y với công dụng chữa chứng đau bụng, ăn uống không tiêu, nôn mửa…Hãy cùng tìm hiểu về các thông tin dược liệu thông qua bài viết sau.
Tìm hiểu về vị thuốc Thảo đậu khấu
Tên tiếng Việt: Riềng ấm, Sẹ nước, Gừng ấm, Thảo khấu nhân
Tên khoa học: Alpinia hainanensis K. Schum.
Tên đồng nghĩa: Alpinia katsumadai Hayata
Họ: Zingiberaceae (Gừng)
Thảo đậu khấu là cây gì, đặc điểm nhận biết
Thảo đậu khấu là một loại cây thảo cao tới 3m. Lá cây hình mũi mác nhọn, thường nhẵn cả hai mặt, mọc so le. Cụm hoa dài tới 0,3m có màu đỏ. Hoa to, đẹp màu trắng có đỉnh tía. Đài hình chuông, có 2 – 3 răng. Tràng có ống ngắn và các thùy hình bầu dục, tù lòm. Cánh môi hình trái xoan, màu vàng viền đỏ và có 3 thùy.
Quả của cây nang hình cầu, nhẵn hoặc hơi có cạnh và ít lông. Khi chín quả có màu vàng, trong có 3 túi hạt gồm nhiều hạt nhỏ sít nhau, mùi thơm cay.

Bộ phận dùng
Thảo đậu khấu dùng quả làm dược liệu trong các bài thuốc
Thành phần hóa học
Thành phần hóa học chính trong dược liệu này là tinh dầu, có khoảng 4% tinh dầu mùi long não (theo Wehmer, 1929., Die pflanzenstoffe Bd.: 182).
Phân bố
Cây phân bố và khai thác nhiều ở đảo Hải Nam, Quảng Đông (Trung Quốc). Hiện nay Thảo đậu khấu đã di thực và mọc ở một số núi Ninh Bình (Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng tập I)
Thu hái và chế biến Dược liệu Thảo đậu khấu
Thu hái
- Thảo đậu khẩu dược liệu được thu hoạch quả vào tháng 7 – tháng 9.
Chế biến
- Quả sau khi thu hoạch về phơi gần khô sau đó bóc vỏ rồi phơi thật khô
- Hoặc sau khi hái về nhúng vào nước sôi, phơi đến gần khô rồi bóc vỏ phơi lại thật khô
Tác dụng của Thảo đậu khấu
Tính – vị, quy kinh
Dược liệu có vị cay, tính ấm và quy vào kinh Tỳ, Vị
Tác dụng theo Y học cổ truyền
Hiện nay mới chỉ có ứng dụng Thảo đậu khấu trong Y học cổ truyền. Dược liệu này được đánh giá có khả năng chữa đua bụng, ăn uống không tiêu, nôn mửa, lạnh bụng ngực, lách sưng cứng, da bụng dày, da thịt bủng beo, ăn uống kém.

Với các công dụng như trên, Thảo đậu Khấu chủ trị:
- Các chứng hàn thấp bị ứ ở trung vị hết sức nghiêm trọng, làm suy yếu chức năng tiêu dẫn đến đau bụng, ỉa chảy.
- Trị nôn, trị hàn khí hoành hành trong cơ thể con người, vị khí giáng ngược gây nên buồn nôn.
Cách dùng, liều lượng
Theo nhiều tài liệu cổ phương, người bệnh có thể sử dụng dược liệu này với liều 3 – 6g/1 ngày. Khi dùng có thể sắc nước hoặc tán bột và kết hợp cùng một số dược liệu khác.
Các bài thuốc trị bệnh với Thảo đậu khấu
Bài thuốc 1: Chữa đau bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, lạnh bụng ngực
Chuẩn bị
- Thảo đậu khẩu 9g
- Gừng
Cách làm
- Tán bột dược liệu Thảo đậu khấu, Gừng sắc lấy nước
- Mỗi lần lấy 1,5g dược liệu uống cùng nước Gừng đã sắc

Bài thuốc 2: Chữa sốt rét lâu ngày, lách sưng cứng, da bụng dày, ăn uống kém
Chuẩn bị
- Thảo đậu khấu 9g
- Nam mộc hương 4g
- Chỉ xác 4g
- Hậu phác 4g
- Nghệ đen (Nga truật) 4g
- Xạ can 4g
Cách làm
- Sắc lấy nước uống trong ngày
- Hoặc tán bột dược liệu, ngày uống 3 lần mỗi lần 4g
Lưu ý khi sử dụng vị thuốc Thảo đậu khấu
Hiện nay, hạt của cây Sẹ (Alpinia globosa Horan) và cây Lương khương (Alpinia chinensis Rosae) cũng được dùng với tên Thảo đậu khấu.
Để đảm bảo hiệu quả trong điều trị bệnh, người dùng nên tham khảo thêm ý kiến từ các bác sĩ, chuyên gia về việc dùng các bài thuốc chứa dược liệu này.
——————
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY TNHH BÁCH THẢO DƯỢC
Địa chỉ nhà máy: Lô Q-6, Khu Công Nghiệp Tràng Duệ, Thuộc Khu Kinh Tế Đình Vũ – Cát Hải, Xã An Hoà, Huyện An Dương , TP.Hải Phòng, Việt Nam.
Văn phòng đại diện: LK16-12 Khu đô thị mới An Hưng, P.La Khê, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội.
Hotline: 0858 387 350 – 0977 998 733.
Kết nối với chúng tôi tại đây:
Fanpage: Nhà máy GMP Bách Thảo Dược
Website: Bachthaoduocgmp.vn
Youtube: Nhà máy sản xuất Bách Thảo Dược GMP